MẤT THÍNH LỰC LÀ GÌ? Connect Hearing

CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TAI NGƯỜI


Tai là một cơ quan có cấu trúc phức tạp và ấn tượng, một trong những vai trò quan trọng nhất của tai là chuyển hóa những âm thanh diễn ra xung quanh ta thành dạng mã hóa mà bộ não có thể hiểu được ngay lập tức. Vậy tai có cơ chế hoạt động như thế nào?

Hai tai thu nhận những tín hiệu âm thanh từ các hướng khác nhau. Cấu trúc phức tạp của tai sẽ xử lý những thông tin này và truyền đến não để hiểu được đó là âm thanh gì.

  1. Tai ngoài hay còn gọi là vành tai thu thập âm thanh, âm thanh đi vào trong ống tai đến màng nhĩ.
  2. Những âm thanh này làm màng nhĩ rung lên và truyền những sóng âm thanh đến tai giữa - nơi bao gồm chuỗi xương con (xương búa, xương đe và xương bàn đạp)
  3. Những sóng âm này sau đó được truyền đi và phóng đại đến cửa sổ hình bầu dục của tai trong.
  4. Chất dịch ở tai trong kích thích các tế bào lông. Các tế bào lông ngoài cùng chịu trách nhiệm cho các tần số cao, trong khi các tế bào lông bên trong chịu trách nhiệm cho tần số trung và trầm. Khi các tế bào lông này bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến khả năng nghe của bạn.
  5. Từ tế bào lông, các xung điện sẽ được truyền qua dây thần kinh thính giác đến não để hiểu những âm thanh này.

 

MẤT THÍNH LỰC LÀ GÌ?


Mất thính lực, khiếm thính (điếc) là tình trạng mà người bệnh không thể nghe thấy âm thanh một phần hoặc hoàn toàn ở một hoặc cả hai bên tai. Mất thính lực có thể là bạn không thể nghe được âm thanh nào hoặc bạn gặp nhiều khó khăn để nghe một số âm thanh cụ thể. Tình trạng này có thể diễn ra đột ngột hoặc dần dần, tạm thời hoặc vĩnh viễn.

 

CÁC NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN MẤT THÍNH LỰC


Lão hóa

Khi chúng ta già đi, những tế bào lông tí hon trong tai bị ảnh hưởng theo thời gian. Điều này dẫn đến việc suy giảm đáng kể khả năng nghe (còn được gọi là “lão thính”). Đến tuổi 60, chúng ta thường mắc phải mất thính lực thần kinh giác quan.

Thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn

Tiếp xúc hằng ngày với tiếng ồn như nghe nhạc lớn, ở gần các dụng cụ hoặc máy móc công suất lớn có thể làm tổn thương các tế bào lông ở tai trong, từ đó ảnh hưởng đến sức nghe của bạn. Các tiếng ồn lớn đột ngột như tiếng súng nổ cũng có thể gây ra tổn thương. Nếu bạn tiếp xúc với tiếng ồn hằng ngày, hãy hành động ngay để bảo vệ sức nghe của mình.

Nguyên nhân khác

Ảnh hưởng của thuốc, bệnh lý, ráy tai hay các vật khác ở trong tai của bạn.

 

CÓ NHỮNG LOẠI MẤT THÍNH LỰC NÀO?


Mất thính lực thần kinh giác quan

Là loại mất thính lực thường gặp, do số lượng tế bào lông ở tai trong bị giảm sút. Mỗi người gặp các mức độ mất thính lực khác nhau, phụ thuộc vào loại và mức độ tổn thương của những tế bào này. Thường là hậu quả của lão hóa, viêm nhiễm, di truyền, chấn thương đầu hoặc tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Mất thính lực thần kinh giác quan thường là vĩnh viễn, tình trạng này không thể chữa khỏi. Hiện có 3 cách hỗ trợ người mất thính lực thần kinh giác quan một bên tai từ nặng đến sâu với tai còn lại nghe bình thường: sử dụng máy trợ thính để khuếch đại âm thanh, sử dụng máy nghe CROS để chuyển âm thanh từ tai mất thính lực sang tai nghe bình thường, sử dụng cấy ốc tai điện tử để cố gắng khôi phục nghe bằng hai tai.

Mất thính lực dẫn truyền

Tình trạng mất thính lực dẫn truyền diễn ra khi âm thanh không thể truyền qua màng nhĩ, ống tai hoặc chuỗi xương con của tai giữa. Nguyên nhân có thể do ráy tai, thủng màng nhĩ, dịch trong tai, di truyền hoặc viêm nhiễm. Mất thính lực dẫn truyền có thể làm âm thanh nhỏ hơn và thường có thể điều trị được bằng thuốc hoặc tiểu phẫu.

 

DẤU HIỆU CỦA MẤT THÍNH LỰC


Dấu hiệu mất thính lực là khác nhau đối với mỗi người. Đây là một số dấu hiệu thường gặp cần lưu ý:

  • Gặp khó khăn để bắt kịp cuộc nói chuyện theo nhóm
  • Gặp khó khăn khi nghe trong môi trường ồn (ví dụ trong nhà hàng)
  • Cần phải thường xuyên yêu cầu người khác nói lại hoặc nói to hơn
  • Cảm thấy người khác nói dính chữ hoặc nói quá nhỏ
  • Có thể nghe thấy âm thanh nhưng không rõ
  • Phải xem TV hoặc nghe đài với âm lượng lớn
  • Ù tai – nghe tiếng vo ve trong tai
  • Dễ cảm thấy mệt mỏi khi sinh hoạt trong một nhóm
  • Bạn bè và gia đình hay bình luận về sức nghe của bạn.
  • Gặp khó khăn trong việc nghe điện thoại, ngay cả khi trong phòng yên tĩnh.
 

Số liệu về bệnh mất thính lực

Trên thế giới, có khoảng 360 triệu người bị bệnh mất thính lực (WHO, 2016)

  • Tại Việt Nam, 1000 trẻ thì có 3 trẻ bị mất thính lực (WHO, 2017)
  • Hầu hết mọi người chờ từ 5 đến 7 năm trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ và chấp nhận rằng họ bị mất thính lực

 

SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA MẤT THÍNH LỰC


Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu người mất thính lực không được can thiệp và điều trị sớm, có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển cũng như tác động tiêu cực về mặt xã hội, tâm lý, nhận thức và sức khỏe của người bệnh. Trong một số trường hợp, tình trạng này còn có tác động sâu rộng, vượt ra khỏi việc mất thính lực.

Tác động cá nhân

Tác động chính và được chú ý nhiều nhất của mất thính lực là việc giao tiếp với người khác. Nghiên cứu gần đây cho thấy người mất thính lực nếu không được hỗ trợ, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến những người họ yêu quý. Hệ quả của việc mất thính lực là những người thân sẽ thấy khó khăn khi giao tiếp và thường phải nói to hoặc lặp đi lặp lại. Từ đó, dẫn đến việc không muốn tương tác, ảnh hưởng đến chất lượng và các mối quan hệ của người mất thính lực.

Tác động xã hội và tình cảm

Mất thính lực có thể dẫn đến chất lượng cuộc sống thấp hơn. Cô lập, không an toàn và cách ly với xã hội là những trải nghiệm mà những người bị mất thính lực có thể trải qua. Các từ như “thôi kệ” hoặc “quên nó đi” từ những người yêu thương có thể khiến người mất thính lực thất vọng và khó chịu. Những cảm giác này dễ dẫn đến tình trạng bất ổn về cảm xúc, trầm cảm và làm xấu đi các mối quan hệ xã hội, cuối cùng dẫn đến việc cách ly xã hội và sống cô đơn.

Tác động kinh tế

Người mất thính lực có thể giảm hiệu quả và năng suất làm việc, dẫn đến giảm thu nhập. Nghiên cứu cho thấy khi được đeo máy trợ thính chỉnh phù hợp hoặc cấy ốc tai điện tử, họ thường có tiềm năng thu nhập cao hơn.

 

TIẾP SỨC CHO NGƯỜI THÂN


Giúp người thân của bạn luôn kết nối với thế giới xung quanh

Người thân của bạn luôn mở TV quá to? Bạn cảm thấy khó chịu vì luôn phải lặp lại điều mình nói? Người thân của bạn bắt đầu né tránh các cuộc trò chuyện? Tình trạng nghe kém diễn ra thường xuyên hơn bạn nghĩ. Theo WHO (2016), có 1.1 tỷ thanh thiếu niên và người trưởng thành có nguy cơ bị mất thính lực, nhiều khả năng bạn biết một người có vấn đề về sức nghe.

Ở Connect Hearing, chúng tôi hiểu khi bị mất thính lực, bạn cảm thấy như thế nào, không chỉ người bị mất thính lực mà ngay cả bạn bè và gia đình của họ cũng gặp nhiều vấn đề. Chúng tôi mong muốn được trò chuyện với bạn để hiểu cụ thể từng trường hợp mất thính lực và đưa ra hướng hỗ trợ phù hợp nhất.

Thấu hiểu rằng bị mất thính lực khiến người thân của bạn thấy áp lực

Người bị mất thính lực thường cảm thấy khó chịu, cô lập, mệt mỏi và không thể chấp nhận thực tế. Khi họ gặp khó khăn trong việc hiểu và tham gia các cuộc hội thoại, họ có thể đổ lỗi cho bản thân hoặc người khác. Bạn cần hiểu rằng: ngay cả khi họ biết mình bị mất thính lực, họ vẫn thể hiện thái độ miễn cưỡng tham gia điều trị hay chấp nhận tình trạng của mình.

Làm thế nào để động viên người thân của bạn?

Tìm những nơi yên tĩnh, ít tiếng ồn nhất có thể để nói chuyện trực tiếp. Điều này giúp người thân của bạn có thể nghe và hiểu bạn dễ dàng hơn. Đây là những cách có thể động viên họ:

  • Hỏi ý kiến xem họ có muốn bạn hẹn lịch và đi tư vấn thính lực miễn phí với họ không. Mỗi người trong chúng ta được khuyến khích nên kiểm tra thính lực ngay cả khi không bị mất thính lực, bạn sẽ biết cách chăm sóc thính lực của mình tốt hơn.
  • Nhắc người thân của bạn biết rằng tình trạng mất thính lực rất thường gặp (có đến 360 triệu người trên thế giới bị điếc nặng đến sâu; 1,1 tỷ người có nguy cơ bị mất thính lực)
  • Thảo luận về các lợi ích khi được nghe trở lại, ví dụ như thoải mái hơn, vui tươi hơn trong các dịp đặc biệt của gia đình.
  • Cập nhật thông tin về máy trợ thính và ốc tai điện tử. Bây giờ, các thiết bị có kích thước nhỏ hơn, hiệu quả cao hơn và tương thích với nhiều thiết bị điện tử khác như điện thoại và TV.
  • Cùng tham dự các buổi nói chuyện về sức khỏe thính giác để cập nhật thông tin mới nhất.
Hãy kiên nhẫn với người thân của bạn

Trong lúc người thân của bạn đang dần chấp nhận việc mình bị mất thính lực, họ cần được động viên nhiều hơn. Hãy kiên nhẫn và giúp họ nhận ra mất thính lực ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bản thân họ và bạn, ví dụ khi họ nghe nhầm hoặc khi bạn phải lặp lại.

Hiển thị tất cả kết quả cho ""