Đôi khi một đứa trẻ sẽ không phản ứng với âm thanh vì chúng đang không chú ý. Tuy nhiên, những phản ứng không nhất quán như thế có thể là dấu hiệu của việc mất thính lực. Hãy chú ý quan sát bất cứ thay đổi nào trong hành vi của trẻ và tìm kiếm những dấu hiệu có thể cho thấy trẻ bị khó nghe.
Từ những bệnh nhiễm trùng về tai đến những nguyên nhân di truyền tiềm ẩn, suy giảm thính lực có thể được gây ra bởi một số yếu tố. Một số loại suy giảm thính lực là tạm thời trong khi một số khác là vĩnh viễn, ví dụ suy giảm thính lực thần kinh giác quan. Trong trường hợp này, máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử có thể giúp ích. Hãy tìm hiểu thêm để đảm bảo con bạn được điều trị đúng lúc, đúng thời điểm.
Dấu hiệu, phân loại và nguyên nhân gây suy giảm thính lực
Suy giảm thính lực xuất hiện ở 1 đến 4 trẻ sơ sinh trong mỗi 1000 ca sinh. Con số này còn lớn hơn nếu tính thêm những trẻ bị suy giảm thính lực dao động (hậu quả của những bệnh nhiễm trùng về tai) và suy giảm thính lực một bên.
Học cách nghe và lắng nghe
Để hiểu thêm về bệnh suy giảm thính lực, chúng ta cần phải hiểu được cách mà trẻ học nghe và các mốc quan trọng trong giao tiếp ở độ tuổi của trẻ.
Ngay từ lúc mới sinh, khả năng thính giác của trẻ đã gần ngang bằng với người trưởng thành, nhưng trẻ phải học cách sử dụng thính giác của mình để đặt nền móng cho việc giao tiếp. Trẻ cần phải nghe những âm thanh từ ngôn ngữ của chúng thường xuyên để chúng có thể liên kết các âm thanh đó với từ ngữ. Trẻ học cách nghe và khám phá thế giới bằng cách liên kết âm thanh với các đồ vật, sự vật, dù đó là âm thanh của tiếng nước chảy trong phòng tắm hay giai điệu của một bài hát ru.
Định hướng âm thanh
Một trong những kỹ năng sớm nhất và cơ bản nhất mà bạn có thể thấy được ở trẻ là kỹ năng định hướng – khả năng xác định chính xác nguồn âm thanh phát ra. Bởi vì chúng ta nghe bằng hai tai, chúng ta có thể định hướng âm thanh cực kỳ chính xác.
Quan sát khả năng định hướng âm thanh ở trẻ
Nhìn chung, những trẻ mới sinh sẽ chuyển động hoặc mở to mắt khi chúng nghe thấy những âm thanh lớn. Điều này được gọi là ‘’phản xạ giật mình’’, và nhiều âm thanh lớn sẽ gây ra phản xạ này. Khi trẻ đã được 5 hoặc 6 tháng tuổi, bạn có thể quan sát kỹ năng định hướng ở trẻ tốt hơn bằng cách tạo ra một tiếng động nghẹ đằng sau hoặc bên cạnh trẻ khi trẻ đang nhìn thẳng. Một tiếng kêu lách cách hoặc tiếng huýt sáo có thể khiến trẻ nghiêng người hoặc quay đầu về phía tiếng kêu đó. Việc quan sát và đánh giá khả năng phản ứng của trẻ đối với những âm thanh như vậy (âm thanh nhỏ và nhẹ) là rất quan trọng.
Những cột mốc phát triển ngôn ngữ và lời nói
- 9 tháng tuổi – hiểu được những từ ngữ đơn giản như “bố’’, ‘’mẹ’’, ‘’không’’,’’tạm biệt’’.
- 10 tháng tuổi – bập bẹ một vài âm giống lời nói, với một dãy các âm tiết giống nhau (ví dụ ‘’da-da-daa’’). Những từ có nghĩa đầu tiên của trẻ sẽ xuất hiện ở khoảng thời gian này.
- 1 tuổi – Nói được một hoặc vài từ
- 18 tháng tuổi – Hiểu được những cụm từ đơn giản, lấy những đồ vật quen thuộc theo yêu cầu (không cần cử chỉ) và chỉ được những bộ phận trên cơ thể. Có vốn từ vựng nói khoảng 20-50 từ và sử dụng được những cụm từ ngắn (ví dụ ‘’không hơn’’,’’ra ngoài’’)
- 24 tháng tuổi – Có vốn từ vựng nói ít nhất là 150 từ, đi kèm với sự xuất hiện của một vài câu gồm 2 từ ngữ. Hầu hết lời nói của trẻ đều có nghĩa và có thể hiểu được với những người lớn không thường xuyên ở gần trẻ.
- 3 – 5 tuổi – Thường xuyên sử dụng ngôn ngữ nói để bày tỏ mong muốn, phản ánh cảm xúc hoặc hỏi các câu hỏi. Trẻ ở độ tuổi này thường hiểu được tất cả những gì mà bạn nói. Vốn từ vựng nói khoảng 1000 đến 2000 từ, và có thể được liên kết trong những câu phức tạp và có nghĩa. Tất cả lời nói của trẻ đều sẽ được hoàn thiện và có thể hiểu được trước khi trẻ kết thúc giai đoạn này.
Nếu bạn nhận thấy trẻ đang có sự chậm trễ trong việc đạt được những cột mốc này khoảng 3 tháng, chúng tôi khuyến khích bạn nên đưa trẻ đến các chuyên gia để thực hiện bài kiểm tra thính lực.
Dấu hiệu của suy giảm thính lực
Hãy luôn cảnh giác khi thấy những tình huống mà trẻ không phản ứng đúng cách với âm thanh, vì điều này có thể là dấu hiệu của bệnh suy giảm thính lực. Đôi khi rất khó để phát hiện suy giảm thính lực nhẹ hay suy giảm thính lực một bên. Điều quan trọng là phải nhớ rằng cho dù là suy giảm thính lực nhẹ vẫn có thể ảnh hưởng đến khả năng học hỏi của trẻ.
Dấu hiệu quan trọng nhất của bệnh suy giảm thính lực là sự chậm trễ trong việc phát triển ngôn ngữ và lời nói. Dưới đây là những dấu hiệu khác chứng tỏ trẻ có thể bị suy giảm thính lực:
- Không nhận thức được khi một người ở ngoài tầm mắt đang nói chuyện, đặc biệt là khi môi trường không có nhiều sự sao nhãng.
- Giật mình hoặc nhìn một cách ngạc nhiên khi trẻ nhận ra ai đó gọi tên mình, không kể đến mức độ tiếng ồn của môi trường xung quanh
- Ngồi gần TV trong khi mức âm lượng vẫn đủ lớn để các thành viên khác trong gia đình nghe thấy.
- Bật tăng âm lượng của TV hoặc loa lên to một cách vô lý
- Không phản ứng với giọng nói qua điện thoại và/ hoặc đổi tai liên tục
- Không phản ứng với các âm thanh lớn.
Nếu con bạn đang ở tuổi đến trường, việc bị suy giảm thính lực nhẹ có thể dẫn đến những vấn đề trong hành vi, sự tập trung hoặc các kỹ năng xã hội khác
Nguyên nhân gây suy giảm thính lực
Suy giảm thính lực có thể là do bẩm sinh (trước hoặc sau khi sinh). Khoảng 50% các trường hợp suy giảm thính lực bẩm sinh (trước hoặc ngay khi sinh) là do yếu tố di truyền. Những yếu tố khác không do di truyền thường bao gồm đau ốm, nhiễm trùng trước khi sinh và các điều kiện xảy ra tại thời điểm sinh. Suy giảm thính lực cũng có thể xảy ra sau khi sinh, có thể là hậu quả của một căn bệnh, tình trạng xấu hoặc chấn thương. Nếu bạn đang tự hỏi điều gì gây suy giảm thính lực cho con bạn, thì cách tốt nhất là đến gặp các bác sĩ chuyên khoa.
Các loại suy giảm thính lực phổ biến
Suy giảm thính lực truyền dẫn
Suy giảm thính lực gây ra bởi các vấn đề ở tai ngoài và tai giữa thường được gọi là suy giảm thính lực truyền dẫn. Khi bị suy giảm thính lực truyền dẫn, tai trong vẫn hoạt động bình thường, nhưng đã có sự thương tổn ở tai ngoài hoặc tai giữa ngăn cản âm thanh truyền đến tai trong. Suy giảm thính lực truyền dẫn thường là tạm thời và có thể điều trị được ở trẻ nhỏ. Âm thanh từ bên ngoài thường sẽ nhỏ hơn trong khi giọng của chính người nói sẽ nghe to hơn bình thường.
Những nguyên nhân gây suy giảm thính lực truyền dẫn
- Các bệnh nhiễm trùng về tai (viêm tai giữa) – Nhiễm trùng ở tai giữa là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra suy giảm thính lực truyền dẫn ở trẻ nhỏ. Hầu hết mọi đứa trẻ đều sẽ bị nhiễm trùng tai ít nhất một lần khi còn nhỏ.
- Ráy tai – Ráy tích tụ trong ống tai có thể đóng vai trò là một nút bịt ngăn âm thanh đến màng nhĩ. Có thể điều loại bỏ ráy tai bằng cách sử dụng giọt nhỏ làm mềm ráy tai hoặc loại bỏ bởi bác sĩ. Đừng bao giờ sử dụng tăm bông để loại bỏ ráy tai vì chúng có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn trong ống tai và có thể gây thủng màng nhĩ nếu vào quá sâu.
- Viêm tai võng mạc (viêm khoang tai ngoài) – Một tình trạng phổ biến khác gây ảnh hưởng đến ống tai ngoài được gọi là viêm tai võng mạc. Căn bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn này xảy ra khi ống tai bị ướt sau khi đi bơi hoặc tắm. Điều đó có thể khiến ống tai bị sưng, gây suy giảm thính lực tạm thời.
Suy giảm thính lực thần kinh giác quan
Những thương tổn xảy ra với tai trong được gọi là suy giảm thính lực thần kinh giác quan. Nó được gây ra bởi sự rối loạn chức năng của ốc tai hoặc các ‘’con đường thính giác’’ dẫn tới não bộ và thường xuất hiện ngay từ khi sinh. Bệnh cũng có thể phát triển từ việc tiếp xúc với tiếng ồn lớn liên tục hoặc tiếp xúc với các hóa chất gây tổn thương tai. Suy giảm thính lực thần kinh giác quan là vĩnh viễn và không thể điều trị được bằng thuốc hay phẫu thuật. Trong hầu hết các trường hợp, máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử có thể giúp ích.
Suy giảm thính lực gây ra do tiếng ồn (NIHL) là loại suy giảm thính lực duy nhất có thể phòng tránh được. Âm thanh có thể gây hại nếu chúng quá lớn, cho dù trong khoảng thời gian ngắn hay dài. Điều quan trọng là phải đảm bảo con của bạn không tiếp xúc với những tiếng ồn như vậy bằng cách làm giảm tiếng ồn, sử dụng các thiết bị bảo vệ tai hoặc đưa trẻ ra khỏi vùng có tiếng ồn.
Suy giảm thính lực hỗn hợp
Đôi khi sự kết hợp của nhiều nhân tố xảy ra có thể gây ảnh hưởng đến cả tai trong và tai ngoài hoặc tai giữa, gây ra suy giảm thính lực hỗn hợp.