Ngôn ngữ có một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển khả năng giao tiếp. Đây được coi là phương tiện chủ yếu của giao tiếp. Vì vậy mức độ phát triển ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng giao tiếp.
Đặc điểm ngôn ngữ lời nói trong giao tiếp của trẻ khiếm thính:
Trong giao tiếp, trẻ khiếm thính vẫn sử dụng ngôn ngữ nói, nhưng ngôn ngữ lời nói của trẻ có những đặc điểm sau:
Giọng: khó nghe, giọng mũi, giọng cao, giọng yếu, giọng khàn,...
Phát âm: phát âm không đúng (phụ âm), không phân biệt những âm gần nhau (nghe gần giống nhau) nhơ t/đ, b/m.
Thanh điệu: khó phát âm đúng thanh điệu của tiếng Việt (thanh hỏi, ngã)
Ngữ pháp: nói theo tư duy, theo ý hiểu của mình, thường trật tự ngữ pháp lộn xộn, không tuân theo trật tự ngôn ngữ nói.
Ngữ điệu: nói rời rạc, ngắt từng tiếng một, lên xuống tuỳ hứng.
Từ vựng: Vốn từ ngữ nghèo nàn
Tiếng nói: của hầu hết trẻ khiếm thính sai nhiều âm vần, thanh điệu và cấu trúc câu.
Tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố mà trẻ có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ lời nói hoặc ngôn ngữ ký hiệu hoặc có sự kết hợp.
Đặc điểm sử dụng các phương tiện giao tiếp của trẻ khiếm thính
Tuỳ thuộc vào khả năng sử dụng các phương tiện giao tiếp mà trẻ có cách thức giao tiếp khác nhau:
Trẻ khiếm thính đã được đi học sử dụng chữ cái ngón tay làm phương tiện giao tiếp với mọi người.
Ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ bản xứ nên là phương tiện giao tiếp chủ yếu trong cộng đồng người khiếm thính.
Trẻ có ngôn ngữ viết thường dùng chữ viết làm phương tiện giao tiếp với người bình thường.
Thực tế kết quả nghiên cứu sự phát triển khả năng giao tiếp của trẻ khiếm thính trên thế giới đã khẳng định: dù trẻ có thể bị điếc bẩm sinh nhưng trẻ vẫn sự phát triển khả năng giao tiếp cùng với có khả năng lĩnh hội những kỹ năng làm dấu, đánh vần bằng tay, lời nói và viết. Việc lĩnh hội và phát triển các phương tiện giao tiếp đó ở trẻ khiếm thính, dù là khi trẻ chưa có ngôn ngữ, có thể tiến hành theo quá trình như sau:
- Đối với một trẻ khiếm thính nhỏ tuổi, trẻ có thể phát triển và lĩnh hội cả ngôn ngữ tiếng nói và ngôn ngữ ký hiệu. Dù sử dụng mã ngôn ngữ nào thì điệu bộ tự nhiên là phương tiện đầu tiên trẻ sử dụng để giao tiếp và hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ. Việc sử dụng ngôn ngữ nào tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà chủ yếu là từ nhu cầu, khả năng của bản thân trẻ. Nhưng thực tế giao tiếp của trẻ khiếm thính cho thấy ngôn ngữ hiệu quả và nhanh chóng hơn chính là ngôn ngữ ký hiệu.
Vai trò các cơ quan trong cơ thể khi giao tiếp của trẻ khiếm thính
Những người nghe nói chung, những trẻ nghe được nói riêng giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ nói là chủ yếu. Ngoài ra còn có sự tham gia của cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt, nét mặt... tạo nên hiệu quả của việc giao tiếp. Khi giao tiếp luôn có sự luân phiên giữa các nhân vật tham gia giao tiếp.
Ở vai trò người nói, dụng cụ đầu tiên quan trọng nhất để tiến hành giao tiếp là bộ não. Bộ não người giúp cho người nói sắp xếp các ý tưởng (nói gì? các gì nên nói trước? cái gì nên nói sau, cái gì không nên nói, duy trì cuộc giao tiếp như thế nào? ), lựa chọn từ ngữ, cách diễn đạt sao cho phù hợp với người nói, hoàn cảnh giao tiếp, vai vế giao tiếp (giao tiếp thân mật bạn bè, giao tiếp công việc, giao tiếp ngoại giao, giao tiếp với người hơn tuổi... ).
Khi nói, người nói cũng cần tới bộ não để giải mã các thông tin, tín hiệu phản hồi từ phía người nghe, ví dụ họ đồng tình hay phản đối, họ có chú ý nghe mình nói hay không, đề tài mình nói có thu hút được sự chú ý của người nghe hay không, từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong việc sắp xếp các ý tưởng, lựa chọn từ ngữ và cách diễn đạt. Giao tiếp bằng ngôn ngữ nói thì dụng cụ không thể thiếu được là cơ quan phát âm bao gồm miệng, thanh quản... Tuy nhiên miệng đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Miệng phát ra những lời nói, những âm thanh... Việc phát âm chuẩn sẽ tạo điều kiện cho việc tiếp nhận thông tin ở phía người nghe dễ dàng và thuận lợi hơn (không phát âm theo tiếng địa phương, không nói sai lỗi chính tả...).
Giọng nói có thể thu hút sự chú ý đặc biệt từ phía người nghe (ví dụ: giọng nói ấm, truyền cảm...). Những giọng nói the thé, oang oang sẽ làm người nghe tiếp nhận thông tin rất khó chịu. Khiếu kể chuyện hay khiếu nói cũng là một yếu tố thu hút được sự chú ý của người nghe. Có những câu chuyện người nghe đã nghe quá nhiều lần rồi nhưng với những người có cách kể hấp dẫn họ (người nghe) vẫn có thể lắng nghe một cách rất chăm chú. Ngoài ra, việc kết hợp tay, nét mặt, cơ thể cũng tạo nên hiệu quả to lớn trong giao tiếp (ví dụ: nhún vai, vung tay, nét mặt rạng rỡ, ánh mắt vui tươi, trìu mến, căm hờn, hằn học...). Những tín hiệu phi ngôn ngữ này sẽ làm cho người tiếp nhận có thể dễ dàng nắm bắt thông tin từ phía người nói bằng việc việc vừa kết hợp lắng nghe vừa kết hợp quan sát (ví dụ: khi kể về niềm vui thì nét mặt không thể ủ rũ, khi nói chuyện nghiêm trang không thể vừa nói vừa cười...).
Ở vai trò người nghe - người tiếp nhận thông tin, lúc này bộ não không đóng vai trò sắp xếp ý tưởng, lựa chọn từ ngữ nữa mà lại chủ yếu tập trung vào việc giải mã các thông tin, phân tích ý nghĩa những điều mà tai vừa nghe, mắt vừa quan sát thấy. Điều này giúp cho người nghe hiểu được các thông tin tiếp nhận được thông qua các giác quan. Việc nắm bắt được những thông tin này làm cho cuộc giao tiếp được tiếp tục vì rằng "người nói phải có kẻ nghe". Đây chính là "cách lắng nghe" trong giao tiếp: đồng tình hay phản đối, lưỡng lự hay thờ ơ... Nó cho phép người nói có thể quan sát, nhận thấy và điều chỉnh, người nói có nên tiếp tục nội dung đang được trình bày hay không. Với vai trò này, cơ quan thính giác và thị giác đóng vai trò quan trọng.
Lắng nghe các thông tin, quan sát các cử chỉ sẽ giúp cho người nghe hiểu được các nội dung vừa được trình bày. Người nghe cũng phải biết lắng nghe thông tin, điều đó cho phép duy trì giao tiếp. Trong khi lắng nghe cũng cần có sự tham gia của ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ...(ví dụ: khi đang lắng nghe, người nghe làm động tác trở mình cộng với nét mặt tỏ vẻ không hài lòng có nghĩa là họ không muốn nghe nội dung đang được trình bày hoặc là họ đã biết, hoặc là nghe nhưng chẳng hiểu...). Đôi khi hiểu sai ý nghĩa các thông tin sẽ dẫn đến những điều đáng buồn cười hoặc sự không hiểu lẫn nhau giữa các nhân vật tham gia giao tiếp (ví dụ: người nói sử dụng cách nói lóng, nói bóng nói gió, xếch mé, dùng tiếng địa phương, chơi chữ...).
Hiệu quả của giao tiếp bằng ngôn ngữ nói như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tham gia của các cơ quan trong cơ thể vào việc giao tiếp. ở đây, để tạo nên hiệu quả của giao tiếp cần có sự phối, kết hợp của tất cả các giác quan được đặt dưới sự chỉ huy của bộ não. Việc giao tiếp bằng ngôn ngữ nói là hình thức phổ biến nhất trong các hình thức đang tồn tại trong xã hội. Ngoài ra trong giao tiếp của người khiếm thính nói chung, trẻ khiếm thính nói riêng, ngôn ngữ ký hiệu, cử chỉ điệu bộ, những chất liệu ngôn ngữ phi lời nói được sử dụng, khi đó sự tham gia và vai trò của các giác quan có sự thay đổi phù hợp.
Ở vai trò người nói (người phát tin), người điếc có thể có khả năng sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp. Tuy nhiên, việc phát âm của người điếc còn phụ thuộc vào yếu tố khác như độ mất thính lực của người điếc, thời điểm mắc phải tật điếc có mắc một hội chứng nào khác. Nếu điếc nhẹ, ngôn ngữ của người điếc vẫn có thể phát triển bình thường nhưng chậm hơn so với người nghe. Nếu bị điếc sau khi ngôn ngữ đã phát triển khá đầy đủ thì họ vẫn có thể sử dụng vốn ngôn ngữ đã có (nhất là khả năng phát âm) để giao tiếp. Nếu điếc bẩm sinh và ở mức độ nặng thì rất khó cho người điếc có thể sử dụng được ngôn ngữ nói vì rằng khả năng phát âm không tốt cũng có nhiều trường hợp không thể phát âm được. Trong trường hợp này người điếc có khuynh hướng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, cử chỉ điệu bộ hơn là sử dụng ngôn ngữ nói. Vì vậy, vai trò của các giác quan sử dụng trong giao tiếp của người khiếm thính nói chung, trẻ khiếm thính nói riêng có sự thay đổi nhất định so với trong giao tiếp của người nghe được bình thường.
Các phương tiện giao tiếp mà người giao tiếp sử dụng cũng có ảnh hưởng nhất định tới việc sử dụng các giác quan trong quá trình giao tiếp
Ghi nhớ
Trẻ khiếm thính cũng giống như tất cả trẻ em khác đều có thể học giao tiếp. Dù với mức độ thính giác khác nhau, trẻ vẫn có thể giao tiếp bằng cách sử dụng cử chỉ, kí hiệu gia đình, ngôn ngữ kí hiệu hoàn chỉnh, đọc hình miệng và nói. Một số trẻ dù nghe được rất ít cũng sẽ có thể nói và đọc hình miệng. Những trẻ khác giao tiếp hiệu quả nhất bằng cách ra dấu tay. Trẻ điếc càng nhỏ học ngôn ngữ kí hiệu càng dễ và tự nhiên - cũng như trẻ bình thường học ngôn ngữ nói.
Để có cảm giác tích cực về bản thân và có cảm giác được thuộc về, trẻ điếc cần được gặp gỡ nhau và gặp cả người lớn điếc.
Có thể sử dụng người điếc trong cộng đồng để dạy ngôn ngữ kí hiệu cho trẻ.
Một số gia đình gửi con đi học ở một trường chuyên biệt dạy trẻ điếc. Nhưng các gia đình khác lại dạy con ở nhà. Một số trẻ có thể được giúp đỡ để mua máy trợ thính và học đọc hình miệng.
Nếu được giúp đỡ, gia đình những trẻ có khó khăn về nghe ở mức độ khác nhau có thể tạo ra trong gia đình và cộng đồng mình một môi trường mà trẻ được chấp nhận, những điểm mạnh của trẻ được thừa nhận - ở đó, trẻ có thể kết bạn, được học tập và sống cuộc đời hạnh phúc.
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến - Khoa GDĐB- ĐH Sư phạm Hà Nội