Trong ngôn ngữ phổ thông, điếc thường được hiểu là mất thính giác hoàn toàn, không nghe được chút nào cả hoặc giảm sút nhiều về thính giác, nghe không rõ.
Hình cấu tạo tai
Tai và nguyên nhân gây điếc
Nếu một trẻ bị giảm sức nghe thì điều đó có nghĩa là một bộ phận nào đó của bộ máy thính giác bị tổn thương.
* Sự tổn thương đó có thể xảy ra ở tai ngoài
Tai ngoài thu nhận và chuyển âm thanh vào tai giữa. Đôi khi, ráy tai hoặc những vật thể lạ (như hạt đậu ..) có thể bị tắc ở tai ngoài cũng có thể làm trẻ giảm hoặc mất khả năng nghe.
Hình tai ngoài
* Sự tổn thương đó có thể xảy ra ở tai giữa
Nguyên tắc hoạt động của tai giữa giống như một cái trống. Nó chứa đầy không khí và có 3 chiếc xương nhỏ bên trong. Khi âm thanh đến tai giữa làm cho màng nhĩ rung động, các xương con chuyển động theo. Đây là cách để chuyền âm thanh vào tai trong. Đôi khi nếu tai giữa bị viêm nó sẽ bị chất dịch quánh phủ đầy. Điều này ngăn cản sự hoạt động của chuỗi xương con, gây khó khăn đối với việc chuyền âm thanh vào tai trong.
Hình tai giữa
Sự giảm sức nghe do bị tổn thương ở phần tai ngoài hay tai giữa gọi đó là điếc dẫn truyền. Do bị tổn thương mà việc dẫn truyền âm thanh tới tai trong bị ảnh hưởng. Nếu ta bịt ngón tay vào hai tai, chúng ta sẽ có cảm giác như bị điếc dẫn truyền. Những nguyên nhân gây điếc xảy ra ở tai giữa chỉ có thể chữa trị được nếu như được phát hiện sớm. Nếu để thời gian lâu không được chữa có thể dẫn đến tổn thương tai nghiêm trọng hoặc vĩnh viễn.
* Sự tổn thương đó có thể xảy ra ở tai trong
Tai trong là một ống cuộn chứa đầy chất dịch. Trong đó có nhiều tế bào lông. Do màng nhĩ ở tai giữa dao động nên chất dịch và các tế bào lông ở tai trong cũng chuyển động theo. Chính sự dịch chuyển này đã chuyển thông tin (âm thanh) tới trung tâm thính giác trên não. Tại não, thông tin được giải mã. Sự tổn thương ở tai trong có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đôi khi cũng không biết được nguyên nhân.
Hình tai trong
Sự giảm sức nghe có thể do bị tổn thưởng ở phần tai trong, ta gọi là điếc tiếp nhận. Nếu một trẻ bị giảm sức nghe nhưng không có vần đề gì ở tai ngoài hay tai giữa thì thường thường là do tổn thương ở tai trong, nơi mà các tín hiệu điện tử được phát ra và sau đó được chuyển lên não. Ngoài điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận, một số trẻ có thể vừa bị điếc tiếp nhận và vừa bị điếc dẫn truyền. Trong trường hợp này ta gọi là điếc hỗn hợp. Một số ít trẻ bị điếc sau ốc tai - điếc trung ương - khi đó trẻ có thể không có vấn đề gì ở tai ngoài, tai giữa hay tai trong nhưng trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu những gì mà trẻ nghe thấy.
Đối với những trẻ này, đường dẫn truyền thần kinh từ ốc tai tới não hay chính bản thân não có vấn đề. Kết quả kiểm tra sức nghe cho thấy ngưỡng nghe có thể bình thường nhưng trẻ gặp khó khăn trong vấn đề hiểu ngôn ngữ lời nói. Không giống như ở tai ngoài và tai giữa, những vấn đề xảy ra ở tai trong không thể chữa được và tật điếc là vĩnh viễn Những vấn đề xảy ra ở tai trong thường gây ra tật khiếm thính. Vì vậy việc chăm sóc tai cho trẻ thật tốt là hết sức cần thiết. (...còn tiếp phần 3).