Thông thường điếc già là do thoái hóa tế bào thần kinh thính giác ở tai trong, nhưng nó cũng có thể xảy ra do những thay đổi của tai giữa hoặc những thay đổi phức hợp dọc theo đường dẫn truyền thần kinh thính giác lên não.
Khi chúng ta lớn tuổi, mỗi bộ phận trong cơ thể chúng ta thoái hóa theo, bộ phận thính giác cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy rất nhiều người khi lớn tuổi bắt đầu nghe kém, và mức độ nghe kém ngày càng tăng khi tuổi càng lớn. Có khoảng 30 - 40% người lớn tuổi từ 65 đến 75 bị nghe kém. Tỷ lệ nghe kém tăng lên 40 - 50% ở những người từ 75 tuổi trở lên.
Lão thính xuất hiện sớm hay muộn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Di truyền là một trong những nguyên nhân quan trọng. Chính vì vậy có những người mới trung niên đã có triệu chứng lãng tai nhưng có những ông cụ bà lão 80 - 90 tuổi vẫn nghe rất thính. Ngoài ra tiếng ồn cũng là một trong những nguyên nhân gây giảm thính lực không kém phần quan trọng. Ảnh hưởng tích tụ lặp đi lặp lại do tiếng ồn giao thông, tiếng ồn trong xây dựng, tiếng ồn phát ra từ các máy móc, trang thiết bị, thậm chí tiếng nhạc lớn cũng có thể gây giảm sức nghe dạng do tổn thương thần kinh thính giác. Các nguyên nhân làm thay đổi sự cung cấp máu của tai như bệnh tim mạch, huyết áp cao, thấp, bệnh tiểu đường… cũng có thể là nguyên nhân gây nghe kém ở người lớn tuổi.
Triệu chứng thường gặp của điếc già là nghe nhỏ và không rõ tiếng nói. Khó nghe ở âm có tần số cao như “s”, “th”. Khi giao tiếp gặp khó khăn để hiểu người khác nói gì nhất là trong môi trường ồn như trong nhà hàng, trong các bữa tiệc. Nghe nam giới nói chuyện dễ hơn nữ giới. Có thể khó nghe được tiếng chim hót hay tiếng điện thoại reo. Hay bị ù 1 hoặc 2 tai như tiếng ve kêu " o,o ", tiếng ào ào như cối xay, tiếng còi rít…
Thông thường điếc già là do thoái hóa tế bào thần kinh thính giác ở tai trong, nhưng nó cũng có thể xảy ra do những thay đổi của tai giữa hoặc những thay đổi phức hợp dọc theo đường dẫn truyền thần kinh thính giác lên não.
Điếc già thường xảy ra ở cả 2 tai, tiến triển từ từ, đều nhau và giảm nhiều ở tần số cao vì vậy thời gian đầu nhiều người không nhận biết mình bị điếc già. Để phòng bệnh điếc già ngay từ trẻ cần tránh tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn, đặc biệt là tiếng ồn lớn. Phòng và điều trị các bệnh có thể làm ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho tai. Khi đã bị giảm sức nghe nên đến các bác sĩ chuyên khoa thính học hoặc các cơ sở thính học để được hướng dẫn trợ thính. Nhiều người nghe không tốt nhưng không muốn mang máy trợ thính vì sợ người khác biết mình “điếc“. Người già nghe kém mang máy trợ thính cũng như người già, nhìn không tốt phải đeo kính vậy. Mang máy trợ thính sẽ giúp cho người già giao tiếp với con cháu và những người xung quanh tốt hơn. Bớt những bực bội không đáng có vì hiểu lầm như cháu đi về thấy ông bà mà không chào, thực ra cháu đã chào rồi nhưng ông bà không nghe… Khi đã nghe kém nếu không mang máy hoặc mang máy trợ thính không phù hợp sẽ làm mức độ điếc tăng nhanh hơn. Nếu không mang, người già nghe kém sẽ nghe kém hơn mỗi năm 10dB. Nghe kém sẽ làm người già gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, từ từ người già sẽ bị cô độc, bệnh mất trí nhớ sẽ đến mau hơn, quá trình lão hóa sẽ tăng nhanh hơn.
Về phía người thân và những người tiếp xúc với người già nghe kém cần phải lưu ý một số vấn đề sau: Khi nói chuyện với người già nên mặt đối mặt, để họ có thể nhìn thấy miệng mình và những biểu lộ cảm xúc trên mặt mình khi nói chuyện. Nên tắt hết những máy móc phát ra tiếng động như đài, ti vi…. Khi nói chuyện nên nói chậm rãi hơn bình thường.
BS CKII Nguyễn Thị Bích Thủy (Phonak Việt Nam)