Bé nhà cháu 15 tháng tuổi. Cách đây 2 hôm cháu cho bé đi kiểm tra ở viện tai mũi họng TW thì có kết quả là 2 tai cháu không nghe được. Chỉ số 2 tai đều 90dB. Vậy xin bác sĩ cho cháu hỏi là có nên đưa cháu đi kiểm tra lại không? và lắp máy trợ thính cho cháu nên dùng loại nào để cháu có thể nghe được và học nói được? Xin bác sĩ tư vấn giúp.
Gửi anh Công Tín,
Nếu anh đã cho em bé đo ở viện TMH TW, tôi nghĩ kết quả đo có thể tin cậy được. Như vậy bé nhà anh bị khiếm thính mức độ sâu (khiếm thính có mức độ nhẹ, vừa, nặng và sâu), nếu không trợ thính bé sẽ chỉ nghe được ở khoảng cách gần những tiếng động lớn như tiếng máy nổ, tiếng sập cửa, tiếng động cơ máy bay… Với mức nghe như vậy nếu không trợ thính bé sẽ không học nói được.
Giải pháp hiện nay ở Việt nam đối với trẻ khiếm thính nặng và sâu là:
1. Nếu gia đình có đủ điều kiện kinh tế để mua hệ thống ốc tai điện tử:
- Trước tiên bé sẽ mang máy trợ thính loại tốt nhất hiện có trên thị trường từ 3 đến 6 tháng (ví dụ hiện nay có máy trợ thính Sky V90 của công ty Phonak, đã có một số em khiếm thính nặng và sâu sử dụng máy trợ thính loại tốt nhất của công ty Phonak có thể đi học ở trường bình thường không cần cấy điện ốc tai).
- Sau đó sẽ được bác sĩ chuyên sâu về thính học đánh giá khả năng phát triển nghe và học nói. Nếu khả năng bé có thể bắt kịp sự phát triển nghe nói bằng trẻ cùng lứa tuổi bé sẽ tiếp tục sử dụng máy trợ thính. Nếu khả năng bé không thể bắt kịp sự phát triển nghe nói bằng trẻ cùng lứa tuổi bé sẽ được đưa vào chương trình cấy điện ốc tai (Vì cấy ốc tai điện tử là một phẫu thuật gây mê kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ, ngoài đáp ứng các tiêu chí thính học bé sẽ được kiểm tra tổng quát sức khỏe, chụp CT, MRI… xem có thể chịu đựng cuộc phẫu thuật hay không).
2. Nếu gia đình không đủ điều kiện kinh tế để mua hệ thống ốc tai điện tử:
- Trước tiên sẽ mua máy trợ thính tốt nhất mà khả năng kinh tế của gia đình có thể đáp ứng để bé tập nghe và kích thích não của bé càng sớm càng tốt. Ở cùng một mức độ khiếm thính có nhiều cấp độ máy có thể giúp bé/ người khiếm thính nghe được. Tuy nhiên cấp độ càng cao (tương ứng giá tiền càng nhiều) thì độ rõ lời và nghe dễ chịu càng nhiều. Trẻ em cần nghe rõ để học nói vì vậy nên cố gắng mua máy trợ thính ở cấp độ cao nhất mà khả năng kinh tế gia đình mình có thể chịu được.
- Nếu mua máy trợ thính ở cấp độ thấp, thì trong khi bé sử dụng loại máy trợ thính này gia đình cũng nên để dành tiền để có thể mua được loại máy tốt hơn cho bé.
- Cũng nên lưu ý: Tuổi học nói của em bé tốt nhất là từ 0 đến 3 tuổi. Các trẻ được trợ thính trước 6 tháng tuổi cho kết quả tốt nhất. Không thể chờ đợi để dành tiền đến khi mua được máy trợ thính tốt nhất vì như vậy sẽ qua thời gian vàng để học nói của bé, cũng như não sẽ không được kích thích trong khoảng thời gian lâu hơn.
Thầy thuốc ưu tú
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bích Thủy
Khuyến nghị:
Sự tư vấn và đề nghị trên đây chỉ có tính chất tham khảo và dựa trên câu hỏi được mô tả của người cần tư vấn. Ngoài các vấn đề về thính lực, người bệnh có các bệnh liên quan khác nên đến trực tiếp các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và điều trị.