Bạn cần chuẩn bị cho con những thứ cần thiết để bước vào một năm học mới? Để giúp trẻ khiếm thính thuận lợi làm quen với môi trường mới, lớp học mới. Một sự chuẩn bị đầy đủ trước sẽ phần nào giúp trẻ thuận lợi hơn trong mọi chuyện ở trường.
Trước khi bắt đầu năm học mới
Đầu tiên và trên hết, hãy chắc chắn rằng máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử của con bạn đang hoạt động tốt, nếu không hãy thực hiện các điều chỉnh hoặc bảo dưỡng cần thiết trước khi trẻ bước vào năm học mới.
Ngoài ra, cũng có một vài thứ mà bạn có thể làm việc với các giáo viên ở trường để đảm bảo rằng trẻ sẽ tiếp thu được tốt nhất ở môi trường lớp học:
- Hãy cho họ đủ thời gian để chuẩn bị những trang thiết bị cần thiết hoặc đào tạo đội ngũ nhân viên, và hãy cho các giáo viên và nhân viên ở trường biết về những nhu cầu thính lực đặc biệt của trẻ.
- Có thể xem xét hẹn gặp với giáo viên để chỉ cho họ cách mà máy trợ thính của trẻ hoạt động.
- Hỏi về những công nghệ hỗ trợ thính lực, như hệ thống FM, nếu trường học có thể cung cấp.
Những đồ dùng thiết yếu để bỏ vào ba lô
Ngoài những việc trên, bạn có thể sẽ cần cho những đồ vật này vào ba lô của trẻ trong những ngày đầu đến trường:
- Pin dự phòng cho bộ xử lý âm thanh hoặc máy trợ thính. Nếu con bạn đủ lớn để xử lý những việc bảo dưỡng thông thường, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm những thứ như dụng cụ loại bỏ ráy tai hoặc bàn chải làm sạch.
- Keo dán để giữ bộ xử lý âm thanh hoặc máy trợ thính ở nguyên vị trí. Trong suốt những giờ như giáo dục thể chất hoặc giờ nghỉ, thiết bị sẽ dễ bị rơi ra và hư hỏng. Một vài phụ huynh thường dùng những cuộn băng vải hoặc băng keo. Nhưng thiết bị của trẻ có thể đi kèm với những chiếc kẹp để giúp cố định máy trợ thính, hoặc bạn cũng có thể dùng những chiếc mic lock – một ống nhỏ làm bằng nhựa được đính kèm với móc tai hoặc ở đáy của bộ xử lý âm thanh để tạo thành một chiếc vòng. Ngoài ra, một chiếc kẹp dây sẽ giúp đảm bảo rằng khi bộ xử lý bị rơi ra, nó vẫn sẽ còn ở trên tai chứ không bị rơi xuống đất.
- Một quyển sổ tay để ghi chú những gì giảng viên nói hoặc để gửi cho giáo viên
- Một chiếc hộp cứng, có dán nhãn để đựng những phụ kiện trợ thính
- Một mẩu giấy nhỏ hoặc thẻ ghi chú để ghi lại những thông tin cơ bản về máy trợ thính hoặc bộ xử lý âm thanh của ốc tai điện tử cho giáo viên.’
Làm quen với những chiếc máy trợ thính mới
Nếu con bạn mới bắt đầu làm quen với máy trợ thính, bạn chắc chắn sẽ cần phải giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của nó đối với trẻ khi ở trường. Bạn cũng có thể nhờ giáo viên quan sát giúp xem trẻ có thường đeo máy trợ thính khi ở trường hay không.
Nếu con bạn không thích hoặc đeo máy trợ thính một cách miễn cưỡng, điều đó là hoàn toàn dễ hiểu. Việc đeo một chiếc máy trợ thính cả ngày là một thay đổi lớn đối với trẻ, chưa kể trẻ còn phải đối mặt với những ánh nhìn và câu hỏi từ bạn bè ở trường. Kết quả là, trẻ có thể từ chối đeo máy trợ thính, ít nhất là lúc đầu. Giáo viên nên là người chú ý đến thời điểm trẻ bắt đầu chấp nhận đeo máy trợ thính, và họ cũng nên biết rằng trẻ không chỉ đang phải thích nghi với cảm giác khi đeo máy trợ thính hay âm thanh phát ra từ nó, mà trẻ còn phải thích nghi với những phản ứng từ bạn bè trong lớp. Các chuyên gia chăm sóc thính lực có thể có những mẹo bổ ích để giúp bạn và trẻ vượt qua giai đoạn thích nghi này.
Trong nhiều trường hợp, trường học cũng phải có trách nhiệm giúp đỡ trẻ
Cha mẹ không phải là những người duy nhất giúp trẻ bị suy giảm thính lực có cơ hội học tập bình đẳng, mà trường học cũng nên có trách nhiệm trong việc đó. Nếu trẻ đã bị mất thính lực, thì trong suốt khoản thời gian trẻ ở trường, nhà trường nên có trách nhiệm đảm bảo rằng máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử của trẻ phải hoạt động bình thường. Các giáo viên cũng có trách nhiệm giáo dục trẻ đúng cách và giúp đỡ, hỗ trợ trẻ khi cần thiết.
Để giúp trẻ, các giáo viên nên biết cách kiểm tra hoạt động của máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử trong thời gian trẻ ở trường. Có rất nhiều thiết bị hỗ trợ việc kiểm tra đó trên thị trường, và bạn nên liên lạc với chuyên gia để tìm hiểu xem thiết bị nào là phù hợp nhất cho nhu cầu của bạn. Ví dụ, một chiếc ống nghe có thể được dùng để biết xem máy trợ thính hoặc bộ cấy ốc tai điện tử có đang nhận hoặc truyền âm thanh không bằng cách cho phép các giáo viên nghe được những âm thanh mà thiết bị phát ra. Các giáo viên cũng nên biết cách thay pin trên máy trợ thính hoặc bộ cấy ốc tai điện tử, nếu trẻ còn quá nhỏ để tự làm điều đó.
Những thiết bị hỗ trợ nghe
Ngoài những đồ dùng trên, nên có thêm một số công nghệ hỗ trợ nghe khác như:
- Hệ thống trường âm thanh: là thiết bị giúp giảm cường độ tiếng ồn xung quanh bằng cách khuếch đại giọng nói của giáo viên thông qua một chiếc microphone và truyền nó đến một hệ thống loa ngoài trong lớp học.
- Hệ thống FM: cũng tương tự như hệ thống trường âm thanh, nhưng thay vì truyền âm thanh đến loa, thì hệ thống FM sẽ truyền âm thanh trực tiếp đến bộ xử lý âm thanh hoặc máy trợ thính của trẻ.
- Hệ thống lặp: Giáo viên sẽ nói vào một chiếc microphone và tín hiệu sẽ được đưa đến một vòng lặp bao quanh khu vực nghe. Hệ thống này rất hữu ích trên các máy trợ thính có hỗ trợ cuộn telecoil, và chúng cũng rất rẽ và dễ lắp đặt.
- Hệ thống CART: Là tên viết tắt của Communication Access Realtime Translation. Đây là một hệ thống dịch ngôn ngữ nói theo thời gian thực. Một chuyên gia vận hành CART đã qua đào tạo sẽ sử dụng một chiếc máy dịch để thu lại toàn bộ lời nói và chuyển chúng về dạng văn bản. Văn bản sau đó sẽ được hiển thị lên một màn hình. Hệ thống này khá đắt bởi phải có một chuyên gia để vận hành, nên chúng thường chỉ được dùng trong các trường cao đẳng hoặc đại học.
Các hoạt động ngoại khóa
Việc giúp trẻ có một cuộc sống bình thường với máy trợ thính là rất quan trọng. Hãy động viên trẻ trong việc tham gia các hoạt động thể thao hoặc ngoại khóa mà trẻ thích, kể cả những hoạt động thể chất như bơi lội hoặc đá bóng.
Hãy mang theo những thiết bị hỗ trợ cần thiết cho máy trợ thính, ví dụ như một chiếc vòng thể thao, một chiếc hộp sấy hoặc một tấm chắn để tránh nước văng vào thiết bị. Và đừng quên nói với người hướng dẫn về tình trạng thính lực của trẻ và nhờ họ giúp đỡ trẻ nếu cần thiết.
Vậy còn những lời trêu chọc từ bạn bè?
Trẻ có thể khá nhạy cảm với việc mình bị suy giảm thính lực, và trẻ cũng biết rằng mọi người xung quanh sẽ để ý như thế nào về chiếc máy trợ thính mà mình đang đeo. Trẻ có thể cảm thấy như mọi người đang nhìn chằm chằm vào mình, và cho dù điều đó đúng hay không, thì trẻ nên được cảm thấy thoải mái với những chiếc máy trợ thính mới. Hãy nói các giáo viên cảnh giác với tình trạng trêu chọc hay bắt nạn từ bạn bè xung quanh, và nói họ liên lạc với bạn nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra.
Và nếu vấn đề thực sự xảy ra, hãy sắp xếp một cuộc hẹn với cha mẹ của những trẻ bắt nạt. Rất có thể họ không nhận thức được hành động của con mình, và có thể họ cũng có những người thân trong gia đình bị suy giảm thính lực. Việc cho một đứa trẻ biết rằng có một người thân trong gia đình mình cũng bị tình trạng tương tự sẽ giúp trẻ đó nhận ra tác hại từ hành vi của mình.
Trường học có thể là một nơi đáng sợ đối với nhiều đứa trẻ khi chúng phải đáp ứng những kỳ vọng từ giáo viên và áp lực phải hòa nhập với bạn bè cùng lớp. Và việc bị suy giảm thính lực có thể khiến vấn đề đó càng thêm khó khăn đối với trẻ, vì vậy trẻ sẽ rất cần sự giúp đỡ từ bạn và các giáo viên ở trường.